Nguồn gốc dùng vỏ trứng trong tranh sơn mài

ranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai... vẽ trên nền màu đen. Bên cạnh đó, các họa sĩ cũng tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre... để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Vỏ trứng là một trong những chất liệu độc đáo được danh họa Jean Dunand tìm tòi và đưa vào sử dụng đến ngày nay.

Diễn giả Nguyễn Đình Đăng trình bày về lịch sử hội họa sơn mài

Sáng 25/5, tại Hà Nội, trong chuyên đề “Ảnh hưởng của văn hóa Pháp đối với việc hình thành nền văn hóa mới của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20”, diễn giả Nguyễn Đình Đăng và nhạc sĩ Dương Thụ đã có buổi trò chuyện về tranh sơn mài, trường Mỹ thuật Đông Dương, lịch sử hội họa sơn mài Việt Nam với những bằng chứng lịch sử còn nhiều tranh cãi.

Jean Dunand (1877 - 1942) là hoạ sĩ gốc Pháp, sinh tại Thụy Sĩ. Ông được coi là một trong những hoạ sĩ sơn mài lớn nhất trong những năm 1920. Sau khi Jean Dunand học được kỹ thuật sơn mài Nhật Bản từ Seizo Sugawara tại Paris năm 1912, ông đã áp dụng sơn mài vào làm các đồ mỹ nghệ và hội hoạ.

Jean Dunand đang hướng dẫn một thợ sơn mài người Pháp gắn vỏ trứng

Trong hội họa lúc này, kỹ thuật sơn mài được sử dụng nhiều vào các bức tranh chân dung và tranh sơn mài cỡ lớn. Để có màu trắng cho sơn mài, Jean Dunand đã nghĩ ra cách cẩn vỏ trứng trên diện rộng. Ông nuôi một trại gà để lấy trứng, dùng sơn ta nhập từ Việt Nam và thuê hàng chục thợ sơn mài từ Việt Nam sang để làm dưới sự hướng dẫn của ông. Nếu Shibata Zeshin là người đầu tiên dùng sơn usrushi như một chất liệu hội hoạ thì Jean Dunand là người đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật và chất liệu sơn ta vào hội hoạ. Sự kiện này diễn ra khoảng một thập niên trước khi khoa sơn mài được mở tại trường Mỹ thuật Đông Dương.

Diễn giả Nguyễn Đình Đăng cho biết, thành công của Jean Dunand đã khiến chính phủ Pháp mở hội sơn mài Đông Dương và một xưởng sơn mài vào năm 1917 tại Boulogne-sur-Seine. Hội này đã thuê các thợ sơn mài từ Việt Nam sang, trả lương, cung cấp thức ăn và chỗ ở cho họ. Bối cảnh này là sự chuẩn bị đầy đủ cho việc mở khoa sơn mài tại trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1928, trong đó có nhiều sinh viên mỹ thuật Việt Nam theo học.

Nói về kỹ thuật dùng vỏ trứng trong hội họa sơn mài, người ta có thể dùng mặt ngoài hay mặt trong của vỏ trứng. Nếu là mặt ngoài thì sẽ phải thấy những hình tròn nhỏ lồng vào nhau. Sau khi được phủ sơn, vỏ trứng sẽ cho những gồ ghề nhỏ, nếu dùng mặt trong, khi được nghiền ra sẽ thấy những khoang nhỏ được viền bằng một lưới màu trắng hoặc vàng. Đó là cạnh của vỏ trứng. Người ta có thể thu được một loạt trắng ngả vàng khi dùng trứng vịt, ngả lục khi dùng trứng gà gô, hoặc khi dùng trứng gà Cochinchinois (miền nam Việt Nam) có màu sẫm hơn gà châu Âu của chúng ta. Phải phủ một lớp sơn tương đối dày để vỏ trứng dính được lên một mặt phẳng và sau đó có thể được mài nhẵn mà vẫn giữ được sắc độ của chúng.

Họa sĩ sử dụng vỏ trứng trong Chân dung bà Agnes (1925)

Vỏ trứng trong tranh sơn mài mang lại nhiều cảm xúc khác nhau, như dầm, xay hay rắc… cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Chính điều này cũng làm cho tranh sơn mài không những phong phú về màu sắc mà còn phong phú về chất liệu, biểu đạt mạnh mẽ cảm xúc, tình cảm của dòng tranh nghệ thuật này.

Tại buổi tọa đàm, diễn giả Nguyễn Đình Đăng còn chia sẻ với khán giả một số vấn đề gây nhiều tranh cãi như “ông tổ” của tranh sơn mài là ai, nguồn gốc lâu đời của sơn mài hay bản chất chữ sơn mài được bắt nguồn từ đâu… Đây được xem là một trong những nghiên cứu cẩn trọng và nghiêm túc về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, trong đó có những bằng chứng mới được phát lộ trong vài năm gần đây.

Xem tin khác