Bảo tàng lịch sử quốc gia -một loại hình nghệ thuật độc đáo tại Việt Nam

cheekyNghề khảm, nói chung đã có lâu đời ở nước ta. Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ (ngày nay gọi là khảm trai) là một nghề thủ công từ xưa đã khá phát triển, vì có nguồn nguyên liệu dồi dào; bởi Việt Nam là một quốc gia có địa thế nằm trải dài theo bờ biển. Tương truyền, dưới triều vua Lý Nhân Tông, cụ Trương Quang Thành người thôn Ngọ, Chương Mỹ Phú Xuyên, Hà Đông biết chọn các mảnh vỏ trai, vỏ ốc xà cừ, ghép và cẩn lên gỗ, tạo được những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Theo truyền thuyết, nghề khảm ở Chuyên Mỹ do ông Trương Công Thành, một vị tướng dưới thời Lý truyền dạy cho dân làng Chuôn Ngọ. Các bậc cao niên kể lại rằng, sau khi Đức Trương Công Thành treo ấn từ quan, ngài quy y Phật Pháp và đi du sơn du thủy. Một lần trên bãi biển, ngài bắt gặp một loài thủy vật nằm trên cát, không có ruột mà chỉ còn vỏ.

 

Cậy lớp bên ngoài thì thấy vân ngũ sắc rất đẹp, ngài mang về nhà để bày chơi. Sau tìm hiểu kỹ trong sách thì thấy đó là con Xà Cừ. Trong một lần nhàn rỗi, thấy vỏ Xà Cừ có nhiều lớp với nhiều màu sắc khác nhau, ánh đẹp như ngọc, ngài ghép thử vào câu đối sơn then, chữ cũ màu nâu thấy rất đẹp. Ngài tiếp tục ra biển lấy về nhiều con Xà Cừ nữa và làm nên một bức hoành phi và một câu đối. Nghề khảm xà cừ (ngày nay gọi là khảm trai) đã được hình thành từ đó. Năm 1099 trước khi mất, Đức Trương Công Thành đã truyền nghề khảm trai lại cho người dân thôn Ngọ. Rồi từ đó, nghề khảm trai tiếp tục phát triển thêm khảm sơn mài và được lan truyền rộng ra nhiều làng trong xã Chuyên Mỹ cùng một số vùng khác, đem lại sinh kế và vinh hoa phú quý cho muôn đời. Nhớ tới công đức của cụ, người dân Chuyên Mỹ tôn cụ là Thành Hoàng Làng, Đức Tổ nghề khảm trai. Hiện, trong đền thờ Thành Hoàng Làng, bên cạnh bụi tre hàng trăm năm tuổi, có treo bức hoành phi, trên đó khắc dòng chữ được tạm dịch là: "Người dân làng Ngọ luôn biết ơn mảnh đất thiêng liêng này đã cho dân làng cuộc sống thịnh vượng nhờ có nghề truyền thống của tổ tiên và nguyện sẽ phát triển nó mãi mãi". Để ghi nhận công lao đánh giặc giữ nước, rất nhiều triều đại phong kiến ViệtNam vẫn thường có sắc phong đối với Cụ Trương Công Thành (những sắc phong hiện vẫn lưu giữ ở thôn Ngọ, một số tìm thấy ở Viện Hán Nôm, bảo tàng...). Để tưởng nhớ công lao của cụ, nhân dân ở thôn Ngọ lập đền thờ và hàng năm thường tổ chức lễ vào ngày 9/8 (âm lịch) và dịp đầu xuân (mùng 9 tháng Giêng).

Khảm xà cừ thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ, tuy nhiên nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, do bản thân chất liệu xà cừ có tạo nên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí. Các họa tiết ở đồ khảm xà cừ có thể là về hoa lá, chim bướm, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam hay từ một tích cổ nào đó trong dân gian. Khảm xà cừ thường được trang trí ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn, ghế, giường, sập, tủ, bình phong, tranh treo tường...

 

Bình phong khảm trai triều Nguyễn (Hiện vật tại BTLSQG).

Các dụng cụ và các nguyên liệu cần thiết cho ngành sơn này: cưa nhỏ dùng cắt gọt họa tiết đã vẽ lên vỏ trai (cưa mỹ nghệ), bàn tỳ tay để cưa giũa vỏ trai (bàn giũa, mỏ kẹp dùng để cầm các mảnh vỏ nhỏ khi cưa, giũa, dao, băm cưa, đe băm cưa, dao và đe dùng để băm lưỡi cưa cho nổi gai, cưa sắc, rũa nhỏ các cỡ, các hình dùng để mài giũa các mạnh cưa cho nét lượn thanh thoát, bàn hộp kính để tô đậm nét vẽ lên mảnh vỏ trai, bút lông cỡ nhỏ (bút tỉa) để vẽ nét mực nho lên vỏ trai, guốc gỗ lót tay để cầm các mảnh vỏ trai, mài trên đá ráp để có được những mảnh vỏ có một độ dày tương đương nhau (2 đến 3m/m), một bộ lưỡi đục các cỡ, các hình và dùi đục dùng đục nền để nạm họa tiết vỏ trai vào nền sơn, bút đanh nhọn dùng can-ke họa tiết lên nền vóc trước khi đục, và các loại dụng cụ như bay xương, mo sừng dùng chung cho việc làm vóc sơn…

Nguyên vật liệu cần thiết cho việc khảm trai gồm có:Vỏ trai sông, bể, xà cừ, ốc bể. Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ trai của trai ngọc môi vàng (Pinctada maxima), nó thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh. Làng nghề cổ truyền thì có những tên riêng cho những thứ ốc như "trai cửu khổng" (tức bào ngư), "diệp xù", "trai cánh", "trai Nông Cống". Vỏ trai được lựa pha ra từng thẻ mỏng, phẳng đều nhau, kích thước như con bài lá. Lúc pha vỏ trai, phải lựa theo hình cong lượn của vỏ để được những mảnh phẳng, dẹt. Sau đó, dùng guốc gỗ ài mảnh vỏ mới pha được mài lên đá ráp với nước tạo độ dầy tương đối đồng đều cho tất cả các mảnh trai. Chất gắn vỏ trai vào nền vóc vẫn là sơn sống nhào với bột ngà, bột xương tán rất nhỏ mịn.

Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: Vẽ họa tiết lên các mảnh vỏ trai, cắt gọt các họa tiết đó, can-ke họa tiết đã được cắt gọt lên nền vóc sơn, đục sâu nền vóc sơn để cẩn họa tiết trai vào, sơn kẹt lấp kẽ hở giữa vỏ trai và nền sơn, sơn thí toàn bộ nền vóc, để ủ trong buồng ẩm cho sơn khô, mài nền sơn thí để thể hiện rõ các họa tiết trai, sơn thí lần thứ hai, sơn khô lại mài như trên, sơn quang, ủ khô rồi mài đánh bóng, tách các họa tiết cho rõ nền vỏ trai, gọt tỉa bằng mũi dao trổ các chi tiết vẽ nhỏ trong mảng trai, xoa mực nho lọt vào các nét được khắc lõm.

Đối với công đoạn vẽ họa tiết lên mảnh vỏ trai –Các dụng cụ cần thiết: Một bàn hộp con, một bàn kính đặt chếch 450, phía dưới mặt kính thắp ngọn đèn nhỏ hoặc đặt bàn gần cửa sổ để lấy ánh sáng trời. Giấy can đã vẽ sẵn các họa tiết mẫu như chim muông, hoa lá, người, vật… Các mảnh vỏ trai đã được chọn lọc để sẵn. Bút lông cỡ nhỏ (bút tỉa) cà đĩa mực nho mài đặc.

Cách can-ke họa tiết lên vỏ trai– Đặt tờ giấy can có vẽ trước các mẫu họa tiết lên mặt bàn kính. Ánh sáng đền hoặc ánh sáng trời phản chiếu dưới kính, làm các nét vẽ hình mẫu trong thấy rõ thêm. Đoạn, đặt một mảnh vỏ trai, lựa chiều cao cho gói gọn với một họa tiết. Nếu họa tiết lớn hơn mảnh trai, phải chọn ghép nhiều mảnh cho đủ họa tiết. Tùy hình dáng của họa tiết mà chọn vỏ trai có nhiều sắc ánh biếc cho thích hợp. Dùng bút lông cỡ nhỏ chấm mực nho tô dậm theo bóng nét vẽ hoa tiết. Một họa tiết gồm nhiều mảnh trai ghép lại thì sau khi can ke xong, nhớ gói làm một và đề chữ đánh dấu cho họa tiết đo khỏi bị các mảnh xáo trộn, mất công tìm kiếm. Nếu có một mảnh vỏ trai cỡ to, có thể can chung vào đó nhiều hoạt tiết nhỏ cũng được.

Cắt gọt vỏ trai để lấy hình hoạt tiết ­– Cần dùng đến cưa mỹ nghệ, bàn giũa, cái mỏ kẹp vỏ trai, và giũa nhọn để cắt gọt sửa các họa tiết vẽ lên trai. Dùng mỏ kẹp để cầm mảnh trai được chắc tay. Tỳ tay vào cọc hãm trên bàn giũa và dùng cưa mỹ nghệ lựa cắt theo đường vẽ để bong lấy họa tiết ra. Lưỡi cưa phải lượn theo đường vẽ  để bong lấy họa tiết ra. Lưỡi cưa phải lượn cho khéo, khỏi gẫy các chi tiết nhỏ, mảnh nét. Cưa xong, muốn sửa gọt nét vẽ, mạch cưa gọt được chính xác, đường lượn cong được đẹp người ta dùng giũa nhọn mài sửa lại. Cưa gọt giũa cong họa tiết nào lại gói riêng từng họa tiết đó cho khỏi lẫn lộn vào nhau.Trong trường hợp làm một bức tranh to, có nhiều chi tiết, nhiều họa tiết quá, nên để sẵn ít hồ bột dán, cưa gọt xong miếng trai nào dính hồ dính ngay vào nền vóc đến đấy, tránh mất mát, lẫn lộn.

Can đánh dấu họa tiết bằng trai, lên nền vóc sơn: Dựa theo bố cục chung và chọn lựa những họa tiết đã cưa gọt hoàn chỉnh mà sắp xếp bầy lên toàn bộ bố cục của bức tranh, hoặc nắp hộp cần khảm. Lấy hồ nếp dính các họa tiết vỏ trai lên mặt tấm vóc sơn cho dễ làm, vì các mảnh đó được xếp đâu yên vị đấy không bị xê dịch lung tung. Đoạn dùng mũi đinh sắt (dùi nhọn, sắc) vách theo đường diềm của họa tiết trai cắt. Vạch khắc sâu hẳn xuống nền sơn xong sẽ bóc những họa tiết ra, gói xếp theo thứ tự đã đánh dấu số vào bì gói và vào nền để khắc.

Đục nền –Tiếp đến dùng lưỡi đục, nhỏ và đập vỗ bằng dùi đục gỗ khắc sâu của nền đục bằng chiều dầy của vỏ trai (3m/m). Trong khi đục, tùy theo hình vẽ của họa tiết mà dùng đục mũi lòng máng, mũi phẳng, bản to hay nhỏ… Nền gỗ đục phải bạt phẳng, khi cẩn trai xuống không bị cập kênh. Đục mảng nào, ướm mảnh trai vào xem được chưa, cần đục thêm hay thôi. Đục xong đến đâu, đánh số làm dấu mảng đến đấy, tránh để lộn xộn.

Gắn trai xuống nền đục –Dùng bay xương hoặc mo sừng nhỏ nhào sơn sống với bột ngà mịn (bột xương tán rây nhỏ). Bôi sơn xuống nền gỗ đục và đặt gắn từng họa tiết trai vào. Lấy ngon tay nén mạnh lên vỏ trai cho sơn thừa tràn ra mép. Mo sừng vét sạch sơn thừa, để hàng gắn xong vào nơi mát, thoáng gió cho sơn chóng khô.

Sơn thí – Vài ngày sau, sơn đã thật khô, vỏ trai cẩn xuống nền gỗ đã bắt dính chắc xuống nền vóc , lấy dao trổ sửa lại những chỗ sơn thừa ngoài nền. Sau đó sẽ sơn thí một nước sơn chín (sơn đen). Để ủ khô trong buồng ủ và sau vài ba ngày đem ra mài cho lộ ra các họa tiết vỏ trai. Có thể sơn thí tiếp một nước sơn đen nữa và cũng mài như trên. Thêm nước sơn thí, hàng làm càng kỹ và đến nước sơn quang sau sẽ đẹp thêm.

Sơn quang, mài đánh bóng – Mài thí xong, tiếp đến sơn cuối là sơn quang (sơn đen loại tốt, đen lánh, có mầu bóng đẹp). Nước sơn quang này, sau khi ủ trong buồng ẩm đã thật khô, ta dùng nước trong sạch, mài bằng đá mầu (đá xanh), than xoan hay than thông mềm. Cuối cùng dùng tóc, bông với bột than mịn để đánh bóng. Lúc này các họa tiết cẩn trai còn bị sơn quang phủ lấp kín.

Tách họa tiết cho lộ rõ trai và khắc tỉa chi tiết. Dùng dao trổ lựa theo hằn hiện rõ giữa mép cạnh trai và mép cạnh nền sơn, cạo tách phần sơn bám tràn lên mặt trai. Trong lúc tách sơn, chú ý làm ở nơi sáng sủa, đừng để mũi dao đưa quá đà cào trượt ra ngoài nền sơn. Ở đây, đòi hỏi phải luyện tay nghề cho thật vững và luyện mặt cho tinh.Tách xong hoàn toàn các mảng họa tiết rồi, dùng mũi dao trổ sắc vạch khắc vẽ các chi tiết nhỏ lên mặt vỏ trai, như kiểu vẽ nét bút sắt. Việc tỉa nét này áp dụng khi làm các chi tiết từng lá trong một mảng cây. Công việc cuối cùng là bôi mực nho đặc phủ tràn lên các họa tiết trai vừa được tỉa nét xong. Sau đó lau sạch mực bôi loe ra ngoài nền. Mực sẽ động bám vào các khe rãnh khắc do dao trổ tạo nên. Các chi tiết đã tỉa tỉ mỉ được nổi rõ hình trên nền óng ánh của vỏ trai. Trong ngành khảm này, người thợ lão thành có thể cắt gọt được nhiều chi tiết rất tỉ mỉ, mảnh trai nọ lại có thể nạm lồng vào mảnh trai kia, rất khéo. Theo từng chi tiết trang trí, người ta chọn các mảnh trai có nhiều màu sắc cẩn giữa các mảnh trai ít sắc, tạo cho họa tiết thêm phong phú về mầu và được tả chất rất khéo. Thí dụ, trong họa tiết quả lựu, từng hạt lựu là từng mảnh trai có nhiều sắc óng ánh được cắt gọt rất tinh vi. Trong cánh bướm có thể cắt chia ra từng mảnh hoa hỏa để cẩn các mảnh trai mài sắc khác nhau, có thể cắt gọt từng nét gân cánh mà cẩn xen kẽ, tạo cho màu sắc của cánh bướm phong phú và hấp dẫn.

 

Hộp gỗ khảm trai triều Nguyễn (Hiện vật tại BTLSQG).

Xem tin khác