8 KỸ THUẬT Thể Hiện TRANH SƠN MÀI tại Làng Nghề Truyền Thống

Khi nói đến Sơn Mài là đang đề cập đến mặt chất liệu của một bức Tranh, mà chất liệu ở đây cũng là một trong những cách thức để sáng tác về mặt nội dung, có thể là hình thức thể hiện của Tranh hay phong cách sáng tác về Tranh Sơn Mài. Việc tìm hiểu quy trình vẽ Tranh của một chất liệu, và chất liệu ở đây là sơn mài, thì ngoài việc biết các công đoạn từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc có thể giúp người thưởng thức hình dung ra sự tác động của một chất liệu có ảnh hưởng như thế nào đến phong cách tạo hình, trong sáng tác một tách phẩm Tranh Sơn Mài của những nghệ nhân ở làng nghề truyền thống Sơn Mài - Bình Dương.

CÁC THỂ LOẠI của TRANH SƠN MÀI Truyền Thống tại BÌNH DƯƠNG:

Một sản phẩm Sơn Mài hoàn chỉnh phải trải qua 3 tới 6 tháng mới hoàn thành, với 25 công đoạn rất tỉ mỉ, công phu, tạo hình, tạo nét,… với sự tham gia đóng góp của nhiều nghệ nhân chuyên môn khác nhau, kể từ khi Tranh còn là một cốt vóc trơ trụi ban đầu. Và những mô tả kỹ thuật thể hiện dưới đây là một phần trong tất cả các công đoạn của quá trình tạo nên Tranh Sơn Mài truyền thống.

Có 8 Kỹ thuật Thể hiện Tranh Sơn Mài truyền thống được nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện như sau:

1. Tranh Sơn Mài cẩn ốc (khảm xà cừ):

Sơn ta dùng để Gắn và vỏ trai, vỏ ốc để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, những mặt hàng cao cấp về thủ công mỹ nghệ. Trai, ốc có nhiều loại được dùng trong nghề Khảm: 
1. Xà cừ: là loại ốc biển, vỏ có vân ngũ sắc. 
2. Xác: là hến biển, vỏ trắng tinh khiết, đôi khi có màu vàng như nghệ. 
3. Cứu khống: là loài trai, vỏ có 9 lỗ, vân đẹp như 7 sắc cầu vồng, …

Người thợ Khảm dùng các chất liệu này tiến hành nhiều công đoạn như: vẽ mẫu, mài, cưa đục mảnh, chạm, hạ mặt mài giũa, đánh bóng. Mặt hàng được Khảm có nhiều loại phong phú:

– Đồ gỗ cao cấp: gồm tủ, bàn, ghế, sạp.

– Hàng mỹ nghệ, trang trí: gồm tranh phong cảnh, tranh chân dung, gương soi, bình hoa, bình phong, ..

– Vật dụng gia đình: như các hộp đựng tư trang, hộp đựng kim chỉ khâu may, khay, kệ, ly, tách, giá rượu, lót ly, vật thờ cúng, …

Và sau khi hoàn thành giai đoạn Hom, sẽ thực hiện Cẩn Ốc lên sản phẩm. Vỏ ốc được lựa chọn cẩn thận, vẽ scan lại các hình ảnh mà hoạ sĩ hay nghệ nhân đã chọn lên mảnh ốc. Sau đó đem cưa từng mảnh ốc, rồi gắn lại thành hình. Đây là công đoạn quan trọng nhất để tạo hình cho sản phẩm. Tất cả các công đoạn lựa ốc, vẽ scan lên ốc, cưa ốc … đều đòi hỏi phải có tay nghề cao. Sự lành nghề của người thợ trong khâu cưa ốc thể hiện ở đường nét thanh mảnh, không bị răng cưa hay gãy sản phẩm.

Sau khi ốc đã được cưa và ráp hình đầy đủ, người ta dùng Sơn sống dán ốc lên bề mặt sản phẩm theo những hình đã định. Sau đó đem Hom tiếp từng nước một và Mài với nước (được lặp lại nhiều lần) cho đến khi nào Sơn Hom bằng với bề mặt ốc thì ngưng. Tuỳ theo độ dày mỏng của ốc mà có thể Hom bao nhiêu lớp sơn, cứ mỗi lớp Sơn hom phải để cho khô từ 3-7 ngày. Tiếp tục là lót sơn, quang phủ, vẽ màu, … những công đoạn này thường giống như các loại sản phẩm khác.

Sau giai đoạn sơn quang và Mài sơn quang, đối với sản phẩm Cẩn ốc thì tiến hành công đoạn làm phong, tách ốc. Người ta thường dùng mũi dao trổ bằng thép tốt, có mũi sắc bén để khắc lên ốc những hoạ tiết, hoa văn và cạo những viền ốc cho giai đoạn Mài được dễ dàng. Sau đó bôi sơn đen hay mực tàu lên vết khắc rồi đem Mài. Lớp sơn ngoài vết khắc sẽ bị mài mòn chỉ còn lại lớp sơn trong vết khắc, làm cho bức Tranh trở nên hoàn hảo hơn.

Tranh Sơn Mài cẩn ốc (khảm trai) có 2 loại:

a) Cẩn nổi: cẩn ốc lên lớp Chu để mài sau khi phủ lớp sơn sống, tiếp theo là ủ khô và Sơn lót hai hoặc ba lớp cho bằng mặt với xà cừ, tiếp tục Mài.

b) Cẩn chìm: cẩn sau giai đoạn Mài lót, dùng dao khoét sâu chỗ Cẩn, phủ sơn sống để giữ dính xà cừ đặtvào, lót thêm hai hoặc ba lớp sơn để phủ kín chỗ hở.

2. Tranh Sơn Mài cẩn trứng:

Do vỏ trứng vịt mỏng và mềm nên khi Cẩn vỏ trứng phải có những thao tác và kỹ thuật riêng, tuy nhiên không có khác biệt nhiều về việc sử dụng nguyên liệu sơn như Cẩn ốc. Các công đoạn chuẩn bị xác mộc của sản phẩm Cẩn trứng cũng được thực hiện tương tự như Cẩn ốc.

Sau khi đã Hom từ 6-8 lớp sơn hom (nhiều lớp hơn so với sản phẩm cẩn ốc), ngưởi hoạ sĩ mới hoạ nét hình hình lên bề mặt Tranh Sơn Mài hoặc sản phẩm Sơn Mài. Khi đã có hình vẽ, người thợ sẽ lựa từng mảnh vỏ trứng nhỏ dán theo hình. Đối với những hình vẽ lớn thì người thợ sử dụng mảnh vỏ trứng lớn, phết sơn vào và đè lên hình vẽ. Vỏ trứng sẽ vỡ ra và tạo những đường rạn nứt tạo ra những mảng sáng tối rất ấn tượng, những mảnh vỏ trứng dư lớn hơn hình vẽ sẽ được người thợ dùng dao gọt tỉa đi.

Để có những màu sắc khác nhau, chủ yếu là màu trắng đến vàng, người ta phải rang vỏ trứng trên lửa nhỏ để vỏ trứng đổi màu từ từ sang màu vàng. Tuỳ theo ý muốn mà rang vỏ trứng lâu hay mau để có màu vàng sáng hay đậm. Theo kinh nghiệm các nghệ nhân Bình Dương, thì vỏ trứng vịt cho sắc trắng xanh sẽ ngã sang ram màu lạnh, còn võ trứng gà cho sắc trắng vàng sẽ ngã sang ram màu nóng.

Khi gắn vỏ trứng xong, dùng ống lăn hoặc búa vỗ nhẹ vừa để nén các mảnh vỏ trứng dính chặt vào lợp sơn trên mặt Tranh hoặc sản phẩm Sơn Mài, vừa có thể diễn tả đậm nhạt cho mảng trắng trứng qua kỹ thuật đập nhiều hay ít, mạnh hay yếu. Mảng vỏ trứng đập mạnh thì vỏ trứng nhuyễn nhiều sẽ tạo ra sắc độ tối hơn chỗ đập búa nhẹ và ít.

Khi Cẩn trứng hoàn chỉnh, người thợ quét lên một vài lớp Sơn lót thật mỏng sao cho bề mặt sơn cao bằng với vỏ trứng. Sau đó Mài bằng nhán mịn và mài trong nước cho phẳng và mặt vỏ trứng theo hình đã định. Những công đoạn tiếp theo vẫn giống với những sản phẩm Tranh Sơn Mài khác.

3. Tranh Sơn Mài vừa cẩn ốc, vừa cẩn trứng trên bề mặt:

Đây là kỹ thuật thể hiện đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao mới cho ra một bề mặt thật phẳng. Để làm được điều này, hoạ sĩ hoặc nghệ nhân phải cẩn ốc trước, Hom lên từng lớp một cho đến khi nào sơn gần bằng mặt (bằng độ dày của vỏ trứng) thì tiến hành cẩn vỏ trứng, sau đó mới tiếp tục phết Sơn quang và Mài phẳng.

Qui trình này cho thấy sự phức tạp, tính công phu, cần mẫn và kỹ lưỡng trong kỹ thuật thể hiện một tấm Tranh Sơn Mài, bảo đảm được tính truyền thống.

Những kỹ thuật Sơn Mài truyền thống đã qua nhiều thế kỷ, hiện nay trên đất Bình Dương không chỉ tồn tại kỹ thuật sơn son thếp vàng, sơn then hay sơn chùi mà còn xuất hiện nhiều loại Tranh Sơn Mài với kỹ thuật phát triển độc đáo, được các nghệ nhân, hoạ sĩ dày công nghiên cứu và thể hiện.

4. Tranh Sơn mài Sơn lộng:

Đây là sơn mài cổ, tồn tại cách đây vài trăm năm với kỹ thuật đơn giản: sản phẩm qua giai đoạn cốt vốc, dùng sơn đen phủ một lớp màu nền trên mặt gỗ, rồi dùng dao khoét những chỗ cố định hình trang trí, tô màu vào hoạ tiết được cắt, rồi phủ sơn lên, để cho khô mài phẳng và đánh bóng. Những sản phẩm thực hiện theo phương pháp này thường có ít chi tiết như bình hoa, hộp đựng nữ trang, …

5. Tranh Sơn Mài Vẽ mỏng:

Mặt sản phẩm được làm bằng phẳng, vẽ hình tượng của đề tài lên, sau đó dùng sơn phủ lên nền, rồi cho màu, sau cùng đánh cho thật bóng mặt Tranh. Loại tranh này gần giống như vẽ tranh với chất liệu bột màu hay lụa nên phổ biến và thông dụng.

6. Tranh Sơn Mài Vẽ lặn phức tạp:

Ở loại Tranh này, người thợ phải thực hiện hoạ nét mẫu lên trước sau đó cẩn ốc hoặc cẩn trứng vào những mảnh hình được định sẵn, để khô, mài phẳng, là đến giai đoạn vẽ chi tiết. Các mãng màu trong giai đoạn này, nghệ nhân có thể dát vàng, bạc, phủ sơn cánh gián, rồi mài phẳng những chỗ cao thấp, sau đó vẽ hoàn chỉnh theo mẫu. Trong giai đoạn này người thợ phải tính được độ cao thấp để khi Mài ra sản phẩm được đúng theo mẫu. Kế đó, dùng sơn phủ, phủ lên tranh. Đến khi khô, Mài sơn phủ cho lộ màu ra cho thật đều và đẹp, cuối cùng là đánh bóng mặt Tranh.

7. Tranh Sơn Mài Khắc trũng:

Phương pháp thực hiện Sơn mài Khắc trũng, là sau khi phủ Sơn quang hoặc Sơn chu, người thợ đánh bóng cho mặt Tranh thật bóng, sau đó phát hoạ mẫu, rồi dùng dao trổ, khoét những phần có màu từ 1 đến 2 mm tạo cho mặt nền chỗ sơn được khoét thật đều. Những chỗ hoạ tiết lá cây, lông thú dùng Sủi tạo những mảng nhẹ nhàng hơn, tiếp theo là cho màu vào những hoạ tiết và cuối cùng là đánh bóng hoàn chỉnh.

8. Tranh Sơn Mài đắp nổi:

Lúc đầu người thợ phải làm phông nền, đánh bóng và in màu. Sau đó, muốn có hình nổi phải dùng thạch cao trộn với sơn đắp lên trên, để cho Tranh thật khô rồi dùng nhám Mài phẳng theo độ cao thấp độ cao thấp của hoạ tiết, sau đó đến giai đoạn vẽ màu như kỹ thuật vẽ lặn mỏng hoặc phức tạp.

Nhìn tổng thể những Kỹ thuật thể hiện Tranh Sơn Mài truyền thống tại Bình Dương:

Tranh Sơn mài vẽ lặn mỏng với hoạ tiết và màu sắc đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao, các nghệ nhân và hoạ sĩ Bình Dương bắt đầu khai thác sâu rộng về loại tranh này và mạnh dạn đi vào thể hiện Tranh phong cảnh với chất liệu chính là màu, cũng vẽ mỏng, được gọi là Tranh phủ mài. Ngoài ra, còn nhiều Tranh khác mang sắc thái riêng biệt như Tranh khắc với chất đơn giản là màu nhưng công phu về kỹ thật khắc trũng và đục sủi trên một nền đen lộng lẫy. Loại tranh này đã có từ lâu và được hoạ sĩ vận dụng vào sơn khắc (coromandel). Tranh vẽ nổi, xuất hiện ở Bình Dương cách đây gần nữa thế kỹ với nhiều đề tài phong phú như: Bát tiên, Phước Lộc Thọ, Ngư ông câu cá, Tứ mã, … Tranh đắp nổi, với sự nổi cộm của hình làm bằng chất sơn rất tỉ mỉ, làm cho người xem nhiều đam mê, yêu thích.

Trương Minh Hiếu

http://canocxacu.com_ Nét đẹp đẳng cấp cho mọi nhà.

p/s: Nếu bạn có những thắc mắc thì đừng ngần ngại nhắc máy gọi cho chúng tôi theo hotline: 0937.931.399 để được tư vấn nhé.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Xem tin khác