Đặc sắc làng nghề khảm trai nơi ngoại thành Hà Nội

Đặc sắc làng nghề khảm trai nơi ngoại thành Hà Nội

(PLO) - Nằm ven bờ sông Nhuệ, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, chúng tôi tìm đến làng khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ huyện  Phú Xuyên (Hà Nội), ngôi làng có sức sống bền bỉ hàng nghìn năm. Qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, những vật vỏ trai vỏ ốc vô tri vô giác kết hợp với gỗ tự nhiên trở nên tinh xảo, vừa hữu ích, vừa làm đẹp cho đời.

Chúng tôi đến làng Chuôn Ngọ (hay còn gọi là Chuôn) thuộc xã Chuyên Mỹ – nơi có đến 7 làng làm khảm trai truyền thống - là một trong những làng nghề phát triển cùng với những nghệ nhân tài hoa vào một chiều ngày đông ấm áp.

Ông Nguyễn Văn Hỏi, Hội trưởng Hội Khảm trai làng Chuôn

Tiếp đón khách, ông Nguyễn Văn Hỏi- Hội trưởng Hội Khảm trai làng Chuôn cho biết: “Nghề khảm trai là một trong những nghề đứng đầu trong các làng nghề thủ công, nghệ nhân có thể coi là nghệ sĩ. Người vẽ mẫu trong làng nghề là người có sự am hiểu về các sự tích, cốt truyện đời sống, các sự vật tự nhiên mới có thể tái hiện lên bản vẽ một cách sinh động, tạo nên hồn của bức tranh”.

Theo ông Hỏi, giờ ông đã không còn ngồi mài, giũa những mảnh trai, vỏ ốc do tuổi cao, mắt kém nhưng dường như điều đó không làm bớt đi tình yêu nghề của người thợ già này. Ngày ngày, ông vẫn ngồi bên bàn làm việc sáng tạo nên những mẫu vẽ mới để làm nên tác phẩm khảm trai, thường là thiên nhiên cỏ cây, hoa lá hay mô phỏng tích truyện dân gian, tình huống của đời sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Là một thế hệ nối nghiệp nghề truyền thống, ông Hỏi luôn tự hào khi tác phẩm của mình được treo tại chính nơi thờ tổ. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, bao biến cố xảy ra, nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ nói riêng và khảm trai Chuyên Mỹ nói chung luôn được duy trì và phát triển mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Trước đây, khảm trai được cho là nghề phụ thế nhưng hiện nay toàn xã Chuyên Mỹ có tới 90% hộ gia đình làm nghề truyền thống này và mang lại nguồn thu lớn.

Tìm đến một cơ sở khảm trai nổi tiếng tại làng Chuôn lúc chiều muộn, những công nhân vẫn cặm cụi làm công việc tỉ mẩn của mình. Mỗi công đoạn, người thể hiện phải thật cẩn thận để tạo nên những chi tiết thon, gọn và tinh tế. Một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ” nghĩa là đục gỗ theo nét vẽ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Những tranh gỗ sau khi đã được gắn trai sẽ tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét. Công đoạn kỳ công nhất chính là cưa, đục các mảnh trai.

Vật liệu chính là vỏ ốc, vỏ trai thu mua trong nước và nhập ngoại từ Hồng Kông, Singapore, Indonesia... Vỏ trai dùng để khảm cũng có nhiều loại. Trai cánh mảnh, nhỏ có màu sẫm trong khi trai thịt trắng có vỏ dày, nhiều vân. Trai ngọc bên trong có lớp xà cừ dày óng ánh tựa sắc cầu vồng. Cùng với trai, vỏ ốc đỏ có màu sắc sang trọng được coi nguyên liệu quý hiếm dùng làm cảnh núi non, cánh phượng, cánh rồng hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm vua chúa...

Những chi tiết được cắt, gọt một cách tỉ mỉ, khéo léo

Trước đây, để có thể có mảnh trai ốc phẳng, người thợ phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa, chẻ dóc miệng… dùng tay nắn mới tạo ra được. Thay vào đó máy ép đã thay thế hoàn toàn, khiến họ không còn vất vả trong công đoạn sơ chế vỏ trai nữa. Nét đặc biệt tại làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ chính là những mảnh trai không bị vỡ, có độ phẳng hoặc được uốn cong phù hợp với từng thành phẩm. Những chi tiết đục khít nhau, đường nét tinh xảo, sống động mang lại danh tiếng cho khảm trai làng Chuôn.

Nhiều khi, trong cái rủi có cái may. Chúng tôi đến làng Chuôn đúng ngày chủ những cơ sở khảm trai đi dự hội Vinh danh nghề truyền thống tại xã Phú Túc, Phú Xuyên, nhiều cơ sở đóng cửa. Ngẫm sẽ ra về mà không có nhiều thông tin, may mắn là khi vẫn tìm được một “lão” nghệ nhân trong làng, người dạn dày kinh nghiệm trong khảm trai truyền thống. Gặp được bác Trần Trọng Sỹ, nghệ nhân làng Chuôn Ngọ, người đã có hơn 40 năm trong nghề. Nối nghiệp truyền thống gia đình đã có 5 đời làm khảm trai, ông vẫn tỉ mẩn bên những sản phẩm khảm của mình. 

Hình ảnh người đàn ông có tuổi đeo kính cặm cụi ngồi trước hiên nhà “truyền hồn” cho bức tranh khiến chúng tôi thấy hứng thú. Ông đang hoàn thiện bức chân dung người thân trong gia đình một cách cẩn thận, ông Sỹ chia sẻ: “Truyền hồn cho bức tranh chính là tạo nên sự chân thực, giống với mẫu hình sẵn có. Đơn giản chỉ có 2 màu trắng đen nhưng đó lại là hồn, là giá trị lớn của bức tranh”.

Ông Sỹ được coi là “phù thủy” của nghệ thuật chạm khảm nơi đây. Mỗi tác phẩm của bác đều mang trong đó cái “thần” rất khác biệt và đặc biệt là cái “tâm” của người làm ra nó.

Ông Trần Trọng Sỹ “phù thủy” khảm trai làng Chuôn đang truyền thần cho bức chân dung

Học nghề từ khi 14-15 tuổi, trong tâm trí người nghệ nhân lão làng, nghề khảm trai như ngấm vào máu thịt, là nghề truyền thống của gia đình. Chính lòng yêu nghề đã giúp ông có được những giá trị làng nghề, có được sự thành công ngày hôm nay. “Phù thủy” khảm trai làng Chuôn chia sẻ: “Khi làm bất cứ nghề nào, luôn cần có niềm say mê, yêu thích thì mới có thể làm tốt được, nó là yếu tố cần để thực hiện, người thợ phải khéo léo, có sự cẩn thận, có khiếu mỹ thuật thì mới đủ để thành công”. 

Điều đặc biệt khi ông Sỹ kể về công đoạn gắn trai vào gỗ, thời nay người dân sử dụng keo để gắn cho nhanh, đảm bảo lâu dài thì quay lại nhiều năm trước, nghệ nhân sử dụng sơn ta. Sơn ta chính là nhựa của cây sơn được trồng ở vùng đất Phú Thọ, có độ bền, dính chắc, gắn một cách tỉ mỉ, khéo léo.

Người làm khảm trai cũng giống như một người thiết kế, việc sắp xếp bố cục chi tiết để tạo nên một bức tranh hợp lý đòi hỏi sự tư duy của người vẽ, người cắt cùng người khắc gỗ. Những họa tiết trong khảm trai qua thời gian có những sự thay đổi nhất định, mỗi giai đoạn yêu cầu phải có những sáng tạo trong chi tiết để phù hợp với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, những họa tiết từ xa xưa vẫn là nền tảng để tạo nên những chi tiết mới, hấp dẫn người tiêu dùng.

Chiếc hộp gỗ được gắn các chi tiết  tạo hình trước khi đục xuống gỗ

Nỗi lo giữ nghề

Người làm nghề đã khó, truyền nghề lại là nỗi trăn trở của những nghệ nhân trong làng. Mặc dù nhiều hộ gia đình sở hữu xưởng làm nghề khảm trai lâu đời nhưng thế hệ sau của họ không tiếp tục theo nghề, mà chọn con đường lập nghiệp khác thay vì nối nghiệp gia đình.

Không phải là không có người học nghề mà chính là số lượng người học giảm đáng kể qua từng giai đoạn. Trước đây, làng Chuôn có 425 hộ dân nhưng đã chuyển đi nơi khác gần 100 hộ, họ chuyển công việc, lập nghiệp ở mảnh đất khác chứ không theo nghề truyền thống, ông Hải cho biết.

Còn những đứa trẻ được tiếp cận với nghề khá sớm, được học nghề bằng phương pháp cầm tay chỉ việc. Sau thời gian học tại trường, chúng được tận mắt nhìn thấy ông bà, cha mẹ làm việc, thích công đoạn nào sẽ để thực hiện công đoạn đó, lâu rồi thành quen và ghi nhớ trong tâm trí. Phải dạy cho những thế hệ sau nhận thức được giá trị của nghề truyền thống, để chúng có tâm huyết mà học nghề, giữ nghề. Dù vậy, gia đình không bắt ép theo nghề, có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề để sau này có nhiều lựa chọn cho cuộc sống.

 

Sản phẩm khảm trai hoàn thiện

Trên thị trường hiện nay, những sản phẩm truyền thống đang dần trở nên giá trị hơn. Làng nghề khảm trai đang từng ngày phát triển cùng với đất nước, sản phẩm của làng không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Tuy nhiên nỗi lo giữ nghề cũng chính là nỗi trăn trở luôn đau đáu trong lòng những người thợ già, họ cặm cụi, tâm huyết với nghề bao nhiêu thì việc truyền nghề lại vất vả bấy nhiêu.

Xem tin khác